Tình hình thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024
Thực hiện Kế hoạch số 2791/KH-UBND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh Long An về Kế hoạch tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về thực hiện những nhiệm vụ giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 trên địa bàn huyện; triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư; Kế hoạch số 2791/KH-UBND ngày 23/9/2024 của UBND tỉnh Long An về việc tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế kết hợp với giữ vững ổn định, an ninh, an toàn, lành mạnh và lợi ích cho phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường triển khai xây dựng chính quyền điện tử, tích cực tham gia xây dựng và cung cấp dịch vụ Công trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ chế tham gia ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả đối với các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cải thiện 10 chỉ số thành phần trong PCI đối với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, đặc biệt là các vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp. Tổ chức kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2024, qua đó ghi nhận những đóng góp của giới doanh nghiệp, doanh nhân đang hoạt động trên địa bàn huyện trong xây dựng và phát triển quê hương. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho chính quyền và giới doanh nhân bày tỏ quan điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.
Trong năm Tổng kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm 2024 trên địa bàn huyện đã đượccấp có thẩm quyền giao vốn là 193 tỷ 085 triệu đồng, phân bổ chi tiết cho 73 DMCT (gồm 47 công trình khởi công mới và 26 công trình chuyển tiếp). Tiến độ thực hiện đến hết năm 2024: 71 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; 02 công trình còn triển khai thi công, tiến độ thực hiện đảm bảo theo yêu cầu đề ra. Tổng giá trị lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân đến ngày 14/11/2024 là 128 tỷ 370 triệu đồng đạt 66,48% kế hoạch; Ước thực hiện đến hết năm 2024 là 183 tỷ 785 triệu đồng đạt 95,18% kế hoạch .
Đã thực hiện rà soát điều chỉnh hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 huyện Mộc Hóa theo chỉ đạo của UBND tỉnh đã được HĐND huyện thông qua, đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Rút ngắn thời gian đăng ký và thay đổi nội dung đăng ký đối với hộ kinh doanh cá thể: Hiện nay đang thực hiện trong thời gian 03 ngày làm việc, không thể rút ngắn thêm do cán bộ phụ trách cấp phép của Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện kiêm nhiệm, chưa có biên chế riêng.
Kết quả giải quyết TTHC: Tại Trung tâm Hành chính công huyện Mộc Hóa, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC trong kỳ nhận tại Trung tâm Hành chính công huyện (thời gian từ ngày 15/12/2023 đến ngày 04/12/2024) là 7306 trong đó: Số hồ sơ mới tiếp nhận: 7109; Số hồ sơ từ kỳ báo cáo trước chuyển qua: 197. Kết quả giải quyết TTHC: Số hồ sơ đã giải quyết: 6977 (trong đó: số hồ sơ giải quyết trước hạn: 2161 (chiếm tỷ lệ 30.97%); số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 4816 (chiếm tỷ lệ 69.03%);; số hồ sơ giải quyết quá hạn: 0 (chiếm tỷ lệ 0%);); Số hồ sơ đang giải quyết: 329, trong đó: số hồ sơ chưa đến hạn: 329). (Trong đó, giải quyết nhiều nhất là lĩnh vực đất đai, Đăng ký biện pháp bảo đảm…).
Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC trong kỳ nhận tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại xã trên Phân hệ quản lý hồ sơ một cửa huyện Mộc Hóa (thời gian từ ngày 15/12/2023 đến ngày 04/12/2024) là 4122 trong đó: Số hồ sơ mới tiếp nhận 4117; Số hồ sơ từ kỳ báo cáo trước chuyển qua: 5. Kết quả giải quyết TTHC: Số hồ sơ đã giải quyết: 4082 (trong đó: số hồ sơ giải quyết trước hạn: 1986 (chiếm tỷ lệ 48.66%); số hồ sơ giải quyết đúng hạn: 2082 (chiếm tỷ lệ 51%); số hồ sơ giải quyết quá hạn: 14 (chiếm tỷ lệ 0.34%); Số hồ sơ đang giải quyết: 40.
Công tác kiểm tra các cơ sở cung cấp, buôn bán hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn, bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người dân được thực hiện định kỳ và thường xuyên, tập trung trong các đợt trước khai giảng, kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu... Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm, tập trung thực hiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 70.58%; số lượng hộ nghèo trên địa bàn huyện đến cuối năm 2024 ước thực hiện còn 80 hộ nghèo (tỷ lệ 1,04%) và 301 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,93%). Việc vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện được quan tâm thực hiện tốt. Huy động tối đa các nguồn kinh phí và các ưu đãi tín dụng cho đào tạo nghề nông thôn, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tư vấn và dịch vụ việc làm.
Toàn huyện có 254 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đang hoạt động, có 07 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, 68 doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực như cung cấp vật tư nông nghiệp, vật tư xây dựng, đại lý xăng dầu, cung cấp thức ăn gia súc, đồ gỗ, sửa chữa máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, trang trí nội thất, may mặc, xay xát…kết hợp với 02 chợ nông thôn, 01 hệ thống cửa hàng Bách hoá xanh, 01 cửa hàng Điện máy xanh tạo điều kiện mua bán trao đổi hàng hoá, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Về phát triển du lịch: trên địa bàn huyện hiện có Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập, Khu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười có doanh nghiệp đầu tư bước đầu mang lại hiệu quả và xu hướng sẽ phát triển hơn trong thời gian tới. Đến tháng 12 năm 2024, huyện Mộc Hóa đón nhận hơn 60.700 lượt khách du lịch.
Trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn như hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế vẫn còn thiếu về số lượng và chất lượng. Hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch phát triển nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Nhân dân. Công tác phối hợp giữa các ngành tỉnh và địa phương đôi lúc còn chưa nhịp nhàng, nhất là trên lĩnh vực thẩm định giá đất, điều đó làm ảnh hưởng đến chi phí, thời gian của địa phương và nhà đầu tư. Công tác phối hợp hậu kiểm doanh nghiệp chưa thường xuyên, liên tục, vẫn còn xảy ra vi phạm trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường, lao động,... Doanh nghiệp địa phương chủ yếu có quy mô siêu nhỏ, sức cạnh tranh kém. Hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn được ưu đãi về thuế nhưng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nên khả năng phát triển còn chậm.